Hai người Thụy Sĩ kể chuyện treo cờ Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris

Admin

Chiều 18/11, Sở TT&TT TPHCM tổ chức buổi gặp gỡ ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard - hai trong ba người Thụy Sĩ đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) vào năm 1969.

Cách đây 55 năm, 3 thanh niên người Thụy Sĩ là Olivier Parriaux, Bernard Bachelard và Nóe Graff đã lái xe hơi từ quê nhà đến thủ đô Paris của Pháp. Đêm 18/1/1969, họ bí mật treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris. 

Đánh cược mạng sống trên đỉnh tháp cao 100m

Đến thăm Việt Nam khi đã là 2 cụ ông với mái đầu bạc trắng, ông Olivier Parriaux (80 tuổi) và người bạn Bernard Bachelard (81 tuổi) được chính quyền TPHCM đón tiếp nồng hậu như những vị khách quý.

Trong cuộc gặp gỡ báo giới TPHCM vào chiều 18/11, 2 nhân chứng bồi hồi kể lại quá trình leo lên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris và treo lá cờ đại diện cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Hai người Thụy Sĩ kể chuyện treo cờ Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris - 1

Từ trái qua phải: Ông Bernard Bachelard, ông Olivier Parriaux và bà Trần Tố Nga - người đồng hành trong chuyến thăm Việt Nam của 2 nhân chứng (Ảnh: Ngọc Tân).

"Hôm đó, 3 chúng tôi đi từ 6h sáng trên một chiếc xe hơi, đến 3h chiều thì có mặt tại Paris. Kế hoạch đã được chuẩn bị trước hàng tháng trước", ông Olivier Parriaux, người lên ý tưởng cho việc treo cờ, nhớ lại.

Khi đến Nhà thờ Đức Bà, Nóe Graff với vai trò lái xe chờ bên dưới. Ông Bernard Bachelard cuốn lá cờ quanh người, còn ông Olivier Parriaux mang theo 1 lưỡi cưa sắt. Hai người hòa vào đoàn khách du lịch để tiếp cận tháp chuông.

"Chúng tôi đến một hành lang, nơi bị một hàng rào ngăn lại. Khi không còn khách du lịch, chúng tôi đã leo qua hàng rào đó một cách dễ dàng", ông Olivier Parriaux kể.

"Nhà thờ Đức Bà Paris có 2 tháp chuông giống Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM hiện nay. Đây là mái nhà thờ và là đỉnh tháp hình mũi tên. Đỉnh tháp mũi tên có cây thập giá, nơi chúng tôi dự định treo lá cờ", vừa nói, tay của ông Parriaux vừa chỉ vào tấm ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris được chiếu trên phông nền lớn.

Đêm hôm đó, họ nhảy xuống phần rìa của mái nhà thờ rồi từ đó tiếp cận tháp mũi tên cao gần 100m so với mặt đất. Phải rất khó khăn vượt qua 4 bức tượng thánh, họ mới chạm được phần đế của ngọn tháp.

Hai người Thụy Sĩ kể chuyện treo cờ Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris - 2

Ông Olivier Parriaux diễn tả lại lúc trèo lên cao tới mức ngọn tháp chỉ còn nhỏ bằng một vòng ôm (Ảnh: Ngọc Tân).

Trên chóp tháp có những thanh ngang bằng kim loại để bám. Càng leo lên cao, thanh ngang càng mỏng. Chúng là kết cấu từ thế kỷ XIX, không còn chắc chắn. Hai chàng thanh niên phải leo lên rất khó khăn.

"Tới gần đỉnh tháp, tôi dừng lại, ông Bernard leo tiếp, vượt qua một nấc tròn làm bằng sắt chạm khắc hình hoa hồng. Ông Bernard là người đã vượt qua nấc khó nhất, móc được lá cờ vào đỉnh tháp và lại vượt qua cái nấc khó khăn ấy để leo xuống", ông Olivier Parriaux kể.

Ông Bernard Bachelard, vốn chủ yếu nhường lời cho người bạn Olivier vì sức khỏe yếu, nghe tới đó cũng xúc động tiếp lời: "Khi tôi leo lên nấc tròn hình hoa hồng đó, nó như cứa vào 2 bàn tay tôi".

Khi đó, 2 người tự buộc nhau lại bằng 1 sợi dây, cốt để ông Olivier có thể đỡ nếu người bạn Bernard sẩy chân. Tuy nhiên, sợi dây bảo hộ này không hề chắc chắn.

Sau khi móc thành công lá cờ vào đỉnh tháp, họ giật sợi dây thun buộc lá cờ. Dây đứt, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trong gió.

Quá trình trở xuống, ông Olivier đã dùng chiếc cưa mang theo để cưa đứt các thanh ngang, tạo ra một khoảng gián đoạn cỡ 10m để ngăn cảnh sát leo lên tháo lá cờ. 

"Sau đó, chúng tôi đi xuống, đu dây bằng kỹ thuật của dân leo núi. Lúc đó là 2h sáng ngày 19/1. Chúng tôi trở lại xe hơi, tới tòa soạn báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí, sau đó lái xe về Thụy Sĩ", ông Olivier Parriaux kể.

4h sáng, một đồn cảnh sát gần nhà thờ thấy lá cờ phấp phới trên đỉnh nhà thờ. Họ báo động, cho người ập tới, nhưng không thể leo lên để gỡ lá cờ. Phải đến chiều hôm đó, nhờ một lính cứu hỏa đu dây từ máy bay trực thăng, lá cờ mới được gỡ.

Dù đã chuẩn bị trước, ông Olivier Parriaux cho biết vẫn có những điều bất ngờ mà họ phải liều lĩnh vượt qua.

Bất ngờ đầu tiên xuất hiện khi họ đi từ tháp chuông ra rìa mái. Hai ông phải nhảy qua khoảng không rộng 2,5m, nhưng không có chỗ để bước lùi lấy đà. Ông Bernard nhảy đầu tiên, ông Olivier hơi hụt bước, nhưng được người bạn đồng hành níu lấy.

Bất ngờ thứ hai là việc vượt qua các bức tượng thánh tông đồ. Họ tưởng bức tượng chỉ cao 2m nhưng thực tế lại cao tới 4m.

Bất ngờ thứ ba là khi di chuyển đến báo Le Monde. Họ gặp cảnh sát ở một quảng trường, ngỡ rằng chắc chắn sẽ bị bắt. Nhưng cảnh sát thấy biển số xe Thụy Sĩ nên đã cho họ đi.

Với 2 thanh niên Thụy Sĩ, việc lá cờ tung bay trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris suốt cả ngày chủ nhật là đủ cho tính toán của họ: Khiến hình ảnh đó lan truyền khắp thế giới thông qua báo đài.

Những người bình dị xả thân cho Việt Nam

"Tên tôi là Olivier Parriaux, năm đó tôi 24-25 tuổi, là sinh viên ngành Vật lý. Tôi đã giảng dạy môn Vật lý ở nhiều nước, tôi cũng là giáo sư ưu tú ở một thành phố tại Pháp", ông Parriaux giới thiệu về mình trước các phóng viên tại TPHCM.  

Tới phần mình, ông Bernard Bachelard chia sẻ: "Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Tôi có hai nghề. Nghề thứ nhất là giáo viên thể dục. Công việc thứ hai là chủ một công ty phục vụ bữa ăn cho người khuyết tật".

Hai người Thụy Sĩ kể chuyện treo cờ Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris - 3

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được những thanh niên Thụy Sĩ treo lên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris (Ảnh: AFP).

Người vợ đã khuất của ông Bernard chính là người bí mật may lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với kích thước 5x3,5m, để cho ông mang lên nóc Nhà thờ Đức Bà cách đây 55 năm.

Chia sẻ với báo giới tại TPHCM, 2 vị khách cho biết, họ không phải là người leo trèo chuyên nghiệp. Năm đó, họ chỉ có một tinh thần can đảm, thể chất tốt và một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng.

"Khi đó, chúng tôi sợ té chết hơn là những nỗi sợ khác. Nếu họ bắt được, đương nhiên chúng tôi bị đi tù. Với tôi và Nóe thì không vấn đề lắm, nhưng với Bernard thì có vấn đề vì anh ấy làm việc cho Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến công việc của anh ấy", ông Olivier Parriaux chia sẻ.

Những nguy hiểm đó không làm họ chùn bước. Olivier Parriaux cho biết cả 3 đã quyết tâm hành động khi nghĩ về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nơi có những hy sinh và mất mát lớn hơn. 

Khi được hỏi động lực nào đã khiến những thanh niên Thụy Sĩ liều mình cho Việt Nam như vậy,  ông Olivier Parriaux chia sẻ 3 động cơ chính. Thứ nhất là để chuẩn bị cho sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Thứ hai là để hạ thấp chính quyền Sài Gòn. Thứ ba là để đón tiếp Henry Kissinger (người đại diện của chính quyền Mỹ tại bàn đàm phán ở Paris khi đó).

"Ba động cơ này đã được hình thành bởi lương tâm chính trị của chúng tôi từ những năm 1960", ông Parriaux chia sẻ, nhắc lại bối cảnh cuộc chiến chống thực dân tại Algérie, Cuba... Ở Pháp, nhiều cuộc biểu tình, đình công của công nhân Pháp với hàng triệu người tham gia.

Người đàn ông Thụy Sĩ cho biết, rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước Pháp đã viết về sự kiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Nhà thờ Đức Bà. Đó là sự kiện góp phần cho sự mở đầu của Hội nghị Paris.

"Nhắc đến Việt Nam, tôi nghĩ đến cuộc chiến đấu anh dũng và tình đoàn kết của các bạn. Các bạn đã chiến thắng được sức mạnh lớn nhất của thế giới là Mỹ. 

Khi về nước, tôi sẽ kể lại cho người thân, bạn bè về sự đón tiếp nồng hậu của chính quyền TPHCM. Trước đây, tôi không nghĩ là mình đáng nhận được những điều như vậy. Chúng tôi rất vui sướng.

Khi đến đây, chúng tôi, những người Thụy Sĩ, nhận ra rằng ở Việt Nam chiến tranh chưa chấm dứt. Ngay bây giờ, vẫn còn hàng tấn bom đạn chưa nổ, vẫn tiếp tục giết người dân Việt Nam, vẫn còn sự tồn tại khủng khiếp của chất độc màu da cam, tàn phá cả thiên nhiên và con người Việt Nam.

Tôi đã gặp bà Trần Tố Nga, người đấu tranh cho nạn nhân da cam. Qua đó, chúng tôi quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh khác, cuộc đấu tranh chống lại các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất thuốc diệt cỏ với hàm lượng dioxin vượt nhiều lần cho phép".

- Olivier Parriaux -