Có vô số cách để thể hiện sự đồng cảm và an ủi với mọi người. Thế nhưng, sử dụng cách thức truyền tải nào mới hợp lý lại là bài toán khó. Có thể cách an ủi này khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đối với mọi người thì không phải vậy.
Chúng ta rất dễ chúc mừng và chia sẻ niềm vui với những người xung quanh nhưng lại thật khó để an ủi, động viên một ai đó. Khi người bạn thân nhất bắt đầu khóc, phản ứng thường gặp là bạn sẽ rất bối rối, không biết phải làm thế nào, phản ứng ra sao. Tương tự như vậy với gia đình, người yêu và những người xung quanh, khi họ buồn rầu, bạn cảm thấy khó khăn, không biết xử lý tình huống ấy như thế nào. Đôi khi, an ủi không đúng cách còn khiến đối phương cảm thấy như đang bị thương hại, từ đó khắc sâu hơn nỗi đau của họ.
Vì sao bạn cần an ủi người khác?
Khi ai đó gặp chuyện không vui, sự an ủi từ bạn bè sẽ giúp họ an tâm và bình tĩnh trở lại. Đôi khi, sự an ủi còn mang lại cho họ những lời khuyên hoặc một chỗ dựa để vực dậy tinh thần sau nỗi đau. Chúng ta có thể sử dụng an ủi như một cách để gửi đi sự quan tâm, tình yêu thương chân thành đến những người thân, người yêu và bạn bè – những người đang gặp khó khăn.
Dưới đây là những cách giúp bạn thể hiện sự an ủi dễ dàng hơn với mọi người.
Cách giúp bạn an ủi người có chuyện không vui
1. Tập trung vào cảm xúc
Cách đơn giản nhất để an ủi một người là để ý cảm xúc của họ. Bằng cách diễn đạt lại những gì họ vừa chia sẻ, chỉ ra cảm xúc họ đang mang, bạn sẽ cho họ thấy rằng bạn thực sự đang bên cạnh và dành sự quan tâm cho người bạn của mình. Hãy lắng nghe xem người ấy đang bộc bạch nỗi niềm gì, cảm xúc ra sao để từ đó cùng đưa ra hướng giải quyết và hành động an ủi phù hợp.
2. Thể hiện sự đồng cảm
Để thể hiện sự đồng cảm, bạn cần đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu được vì sao họ lại có những cảm xúc như vậy. Bạn nên dùng những câu nói biểu đạt cảm xúc giống như người bạn ấy để thể hiện rằng bạn có cùng cảm xúc với họ trong câu chuyện đó. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ nỗi niềm với họ bằng cách liên hệ với câu chuyện bản thân. Hãy lưu ý rằng, bạn chỉ nên kể những câu chuyện thực sự liên quan và tránh chuyển hướng cuộc trò chuyện vào bạn khi đang muốn quan tâm, động viên ai đó.
3. Lắng nghe
Lắng nghe là một trong những cách hữu hiệu nhất khi giao tiếp. Với một người gặp chuyện không vui, họ đôi khi sẽ chẳng cần ai đó an ủi hay cho lời khuyên. Điều họ cần là một ai đó nghe họ nói, một ai đó để giãi bày tâm sự. Bạn không cần phải nói những điều lớn lao, bạn chỉ cần ngồi cạnh và lắng nghe họ trải lòng. Những cảm xúc rối bời, những suy nghĩ khó nói sẽ dần được họ bộc bạch. Điều này không những giúp người ấy được giải tỏa cảm xúc mà bạn còn hiểu thêm họ đã trải qua chuyện đó như thế nào. Thay vì hỏi “Việc gì khiến bạn buồn lòng” thì câu hỏi “Bạn đã cảm thấy như thế nào” sẽ dẫn dắt câu chuyện tốt hơn.
4. Tôn trọng nỗi đau
Trong cuộc sống, sẽ chẳng có nỗi buồn nào giống với nỗi buồn nào cả. Vì góc nhìn về sự vật, sự việc rất đa dạng nên rất khó để hiểu một ai đó. Việc tôn trọng cảm xúc đối phương, chia sẻ khi họ gặp chuyện không hay cũng là một cách an ủi.
Khi bạn thấy một người bật khóc, câu nói phản xạ thường thấy nhất là “Bạn đừng khóc. Hãy vui lên đi”. Về cơ bản, câu nói này không thực sự giúp họ vui hơn hay quên đi buồn bã mà còn khiến họ buồn hơn nữa. Vì vậy, thay vì nói những lời trên, bạn nên nói với họ rằng khóc là điều đúng đắn. Một người đang gặp khó khăn, đau buồn có thể sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn khi có ai đó hiểu được tình trạng của họ.
5. Cử chỉ phù hợp
Thật khó để tìm lời an ủi thích hợp với người đang gặp chuyện không vui. Trong một số trường hợp, những hành động và cử chỉ đúng lúc sẽ hiệu quả và đáng giá hơn lời nói rất nhiều. Một cái ôm ấm áp, cái vỗ vai nhẹ nhàng hoặc cái nắm chặt tay sẽ khiến đối phương an lòng hơn rất nhiều và họ biết rằng họ có bạn bên cạnh. Thậm chí, bạn cần chỉ ngồi cạnh họ trong khoảnh khắc cảm xúc tuôn trào cũng đã là niềm an ủi đối với họ rồi.
6. Thể hiện sự chân thành
Hãy để cho bạn bè biết rằng bạn cảm thông và sẽ luôn ở cạnh họ khi họ rơi vào tình huống không hay. Những lời hỏi han, quan tâm bằng sự chân thành và bằng cả tấm lòng sẽ giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra, nếu họ cần lời khuyên từ bạn, hãy nhẹ nhàng diễn giải sự việc và đưa ra hướng giải quyết khách quan và chân thành nhất. Hơn ai hết, người bạn của bạn là người hiểu tình hình của họ nhất nên hãy luôn giữ sự khiêm tốn khi đưa ra nhận xét và lời khuyên nhé!
Nhóm thực hiện
Bài: Bich Ngoc Hoang
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Inpsychful